Thông tư này thay mới các quy định về đối tượng đăng ký thuế; nguyên tắc cấp mã số thuế (MST); thủ tục đăng ký mới, thay đổi thông tin đăng ký thuế; thủ tục thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; thủ tục chấm dứt hiệu lực MST; thủ tục khôi phục MST; thủ tục đăng ký thuế đối với trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi mô hình hoạt động;...
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Thông tư này là bổ sung quy định về sử dụng số định danh cá nhân thay cho MST kể từ ngày 1/7/2025. Theo đó, người nộp thuế là cá nhân, người phụ thuộc đã có số định danh (gồm 12 chữ số do Bộ Công an cấp) thì được sử dụng mã định danh này thay cho MST. Đồng thời, người đại diện hộ gia đình, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã được cấp số định danh thì cũng được sử dụng mã định danh này thay cho MST của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó (xem khoản 5 Điều 5).
Đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài không có số định danh cá nhân thì vẫn được cơ quan thuế cấp MST 10 chữ số như quy định cũ (xem khoản 1 Điều 5).
Ngoài ra, đối với nhà thầu nước ngoài, theo quy định mới, trường hợp có nhiều nhà thầu nước ngoài thuộc diện nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế trên cùng 01 hợp đồng nhà thầu ký với bên Việt Nam và các nhà thầu có nhu cầu kê khai, nộp thuế riêng thì mỗi nhà thầu nước ngoài được cấp riêng 01 MST 10 số (xem khoản 4 Điều 5).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/02/2025 và thay thế Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020.
Các MST mà cơ quan thuế đã cấp cho cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh trước ngày 1/7/2025 được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Kể từ ngày 1/7/2025, chuyển sang sử dụng số định danh cá nhân thay cho MST, bao gồm cả trường hợp kê khai điều chỉnh, bổ sung nghĩa vụ thuế phát sinh theo MST cũ.
Trường hợp cá nhân đã được cấp nhiều hơn 01 MST thì phải cập nhật thông tin số định danh cá nhân cho các MST đã được cấp để cơ quan thuế tích hợp các MST này vào số định danh cá nhân và hợp nhất dữ liệu thuế của người nộp thuế theo số định danh. Khi MST đã được tích hợp vào số định danh cá nhân thì các hoá đơn, chứng từ, hồ sơ thuế, giấy tờ có giá trị pháp lý khác đã lập có sử dụng thông tin MST của cá nhân tiếp tục được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ thuế mà không phải điều chỉnh thông tin MST trên các hoá đơn, chứng từ, hồ sơ thuế sang số định danh cá nhân.
Nguồn: LuatVietnam.NET